Chia sẻ với VnExpress, ông Nguyễn Việt Quang, Phó chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup cho biết, sau khi nghiên cứu kỹ mô hình thung lũng silicon của Mỹ, Vingroup quyết định thành lập Công ty Phát triển Công nghệ VinTech với mục tiêu xây dựng một hệ sinh thái tương tự, gọi là VinTech City ở Đông Anh (Hà Nội). Đây sẽ là môi trường ban đầu hỗ trợ các ý tưởng, dự án công nghệ được phát triển và đi vào cuộc sống.
Ông Nguyễn Việt Quang. Ảnh: VT. |
Với hơn 70 ha mặt bằng ở Đông Anh, VinTech City sẽ xây dựng các tòa văn phòng được trang bị đầy đủ máy tính, Internet... để các công ty khởi nghiệp có thể làm việc. Các startup đến đây làm việc sẽ yên tâm về các điều kiện lưu trữ dữ liệu, hỗ trợ pháp lý, nhân sự, thủ tục và tài chính kế toán... Startup cần lưu trú cũng có thể ở lại.
"Trong thời gian từ một đến ba năm đầu, các công ty công nghệ khởi nghiệp sẽ được miễn phí toàn bộ chi phí thuê văn phòng và một phần hoặc toàn bộ phí dịch vụ còn lại", ông Quang nói và cho biết phần hỗ trợ là cho không, các ban quản lý dự án làm xong startup sẽ được hưởng.
Trong điều kiện cần vốn để phát triển thêm, nếu phù hợp định hướng của Vingroup, các dự án sẽ được đầu tư. Nếu không, VinTech City sẽ hỗ trợ tìm nhà đầu tư và giải pháp tài chính khác cho các startup này.
"Chúng tôi làm như vậy vì biết các nhà khởi nghiệp trẻ về công nghệ sẽ gặp rất nhiều khó khăn nên tạo chất xúc tác, như mồi câu ban đầu giúp mọi người có nền tảng để phát triển, từ đó thúc đẩy cho ngành công nghệ của Việt Nam phát triển", ông Quang nói.
Những tên tuổi hàng đầu về công nghệ đều có mặt ở Silicon Valley. Ảnh: Aptech Media. |
Với mục tiêu trở thành Tập đoàn công nghệ trong 10 năm tới, Vingroup đã triển khai những bước đi đầu tiên trong chiến lược. Trong đó, mảng thương mại - dịch vụ hiện có là chỗ dựa tài chính và cung cấp hệ sinh thái hỗ trợ công tác nghiên cứu và thương mại hóa sản phẩm công nghệ - công nghiệp. Mảng công nghiệp gồm ôtô và sản phẩm điện thông minh - gia dụng sẽ đẩy mạnh trên cả phương diện sản xuất và tiêu thụ, hướng tới xuất khẩu.
Công nghệ sẽ là mảng chủ lực, trong đó đội ngũ nhân sự và hạ tầng để nghiên cứu trí tuệ nhân tạo, phát triển các nguyên vật liệu thế hệ mới và sản xuất phần mềm đang tập trung triển khai ở VinTech City.
GS Vũ Hà Văn, Đại học Yale (Mỹ) đã về làm Giám đốc khoa học Viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn (Big Data) và tham gia điều hành Quỹ Hỗ trợ khởi nghiệp và hỗ trợ nghiên cứu khoa học công nghệ và ứng dụng. GS Nguyễn Quốc Sỹ làm Viện trưởng viện Nghiên cứu Công nghệ cao Vin Hi-Tech.
GS Nguyễn Quốc Sỹ cho biết, kế hoạch tập hợp các nhà khoa học công nghệ cao cấp là chuyên gia nước ngoài kết hợp với cán bộ nghiên cứu trong nước đã được xây dựng chi tiết. "Chúng tôi tích hợp theo từng đội và phát triển dần lên theo nhóm vấn đề nghiên cứu", GS Sỹ nói.
Còn CEO Vingroup cho biết, tập đoàn đã ký kết với hơn 50 đại học trong lĩnh vực khoa học công nghệ hàng đầu Việt Nam để chuẩn bị nguồn nhân lực gồm 100.000 kỹ sư cho 10 năm tới.
Thung lũng Silicon (Mỹ) còn được gọi là thung lũng điện tử, bao gồm phía bắc của thung lũng Santa Clara và một số cộng đồng kế cận của miền nam bán đảo San Francisco cùng vịnh Đông của nước Mỹ.
Frederick Terman có thể được coi là cha đẻ của thung lũng silicon khi phát triển thành công một loại mạch dao động mới và thành lập nên công ty startup công nghệ cao đầu tiên là HP (Hewlett-Packard) - một công ty máy tính với số vốn ban đầu 538 USD. Công ty này đã nổi danh thế giới sau đó.
Vào năm 1947, tại Bell Lab, Shockley cùng với hai đồng nghiệp là Bardeen và Brittain đã chế tạo thành công chiếc transitor bán dẫn đầu tiên. Ba người được nhận giải Nobel vào năm 1956. Sự ra đời của transitor đã đánh dấu sự chuyển mình của công nghệ điện tử.
Sau đó những tên tuổi hàng đầu trong giới công nghệ như: Adobe Systems, Advanced Micro Devices (AMD), Apple Computer, Cadence Design Systems, Cisco Systems, eBay, Electronic Arts, Facebook, Google hay Intel.... đều hình thành từ đây.